Chính phủ sẽ đối thoại với nông dân để tìm ra lối đi, cách làm mới
14:52 - 14/12/2017
“Tới đây, Chính phủ phối hợp với Hội nông dân để có cuộc đối thoại với nông dân Việt Nam để tìm ra những lối đi, cách làm mới ở nông thôn hiện nay”.
 

Thủ tướng cho biết như vậy tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về “tam nông” chiều nay (18/11).

Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) chất vấn, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào tháng 8/2008, đến nay đã gần 10 năm triển khai thực hiện, đây là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực quốc gia còn hạn chế, để nâng cao hiệu quả thực thi nghị quyết cần phải xác định nhiệm vụ ưu tiên để triển khai thực hiện. Xin Thủ tướng cho biết sẽ chọn khâu nào để đột phá nông nghiệp, nông dân hay nông thôn?.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Thủ tướng cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương về lĩnh vực này, Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Đến nay các chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đây là hai chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng đã được thực hiện mạnh mẽ kịp thời. Việt Nam gần 70% dân số sống ở nông thôn, đời sống khó khăn chênh lệch giàu nghèo còn lớn. Chúng ta có những tiến bộ ở chương trình nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 06, nhưng còn nhiều bất cập xảy ra.

Vì vậy, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ tái cơ cấu nông nghiệp nhất là các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...

Thứ hai là đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn.

Thứ ba là thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình mục tiêu khác, nhất là xây dựng văn hóa nông thôn, tình làng nghĩa xóm và vấn đề lớn đó là vấn đề đảm bảo môi trường sống ở nông thôn. Chúng ta đều biết hàng năm thải ra nếu tổng số chất thải rắn ở nông thôn đến 13 triệu m3 là rất lớn. Các ngành xây dựng tài nguyên môi trường, các tỉnh có phương án chủ động xử lý vấn đề này không phải chỉ là kinh tế bình thường mà chúng ta đang nói kinh tế - xã hội, môi trường, vấn đề môi trường nông thôn đang đặt ra cần phải quan tâm.

Đại biểu Đào có hỏi cái gì là quan trọng nhất nông nghiệp, nông thôn và nông dân, chúng tôi cho rằng chìa khóa của tái cơ cấu nông nghiệp nằm ở người nông dân, từ nhận thức tư duy đến hành động, đến hạ tầng, đặc biệt là thực hiện các giải pháp để người nông dân được thực sự là chủ thể. Sắp tới đây Chính phủ phối hợp với Hội nông dân để có cuộc đối thoại với nông dân Việt Nam để tìm ra những lối đi, cách làm mới ở nông thôn hiện nay. Hội nông dân Việt Nam đã kiến nghị vấn đề này, chủ thể là nông dân là quan trọng nhất trong phát triển. Đồng thời, đồng bộ thực hiện các chương trình mục tiêu khác của quốc gia để phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân”.

Tiếp tục xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản

Vấn đề thứ 2 đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào chất vấn: Năm nào chúng ta cũng phải chứng kiến những cuộc giải cứu nông sản cho nông dân, là người đứng đầu điều hành Chính phủ, Thủ tướng có những giải pháp căn cơ nào để giải quyết vấn đề này, có cách gì để khắc phục sự chênh lệch lớn giữa giá bán của người sản xuất nông sản và giá mua của người tiêu dùng hiện nay?.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã đề nghị các địa phương, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo các địa phương làm tốt một số việc. Trước hết là hoàn thiện nâng cao chất lượng quy hoạch. Nước ta có 6 vùng kinh tế, 4 vùng kinh tế trọng điểm phải làm rõ quy hoạch sản phẩm ở các vùng này.

Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách như tổ chức lại sản xuất, vấn đề khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, giảm trung gian, bám sát thị trường đặc biệt là tổ chức tốt hệ thống tiêu thụ, phân phối gắn với sản xuất. Hình ảnh đặt hàng ở những vùng đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh là một mẫu hình rất tốt.

Hiện, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cũng đang có, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì xu hướng đầu vào, đầu ra kết hợp này rất nhịp nhàng. Nhất là chúng tôi muốn đề nghị xúc tiến thương mại để tiêu thụ quốc tế, tổ chức thị trường, ngành nông nghiệp và ngành công thương phối hợp chặt chẽ để tìm lối ra hỗ trợ nông dân.

Người nông dân cùng với sự hỗ trợ của nhà nước tiếp tục xây dựng thương hiệu quốc gia trong nông sản, thực phẩm ở nông thôn. Đi liền với nó một vấn đề lớn hiện nay Quốc hội, Chính phủ và toàn dân rất quan tâm là vấn đề an toàn thực phẩm đang đặt ra hết sức gay gắt. Có thể nói nếu ta làm tốt việc này, kết hợp người dân và doanh nghiệp, có định hướng, có thông tin, vấn đề đầu tư kết hợp, chủ động thì tôi nghĩ tình hình giải cứu sản phẩm nông nghiệp sẽ hạn chế bớt. Nhà nước cố gắng tối đa để xử lý, khi cần thiết lắm mới xử lý vấn đề giải cứu, còn nói chung chúng ta thực hiện nhiệm vụ kinh tế thị trường chúng ta càng phải gắn với thị trường một cách chủ động hơn.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo