Khánh Hòa cam kết không đánh bắt hải sản bất hợp pháp
14:48 - 03/11/2017
Ông Nguyễn Thanh Tùng, TGĐ Cty TNHH Tín Thịnh, KCN Suối Dầu (Cam Lâm, Khánh Hòa), một DN chuyên chế biến xuất khẩu thủy sản lo lắng không biết sắp tới các lô hàng đến cảng EU sẽ như thế nào...

Trước việc Liên minh châu Âu (EU) chính thức phạt “thẻ vàng” đối với mặt hàng hải sản Việt Nam, là địa phương có thế mạnh đánh bắt xa bờ, số lượng tàu thuyền lớn, tỉnh Khánh Hòa đang đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân, yêu cầu họ thực hiện ký cam kết không đánh bắt hải sản bất hợp pháp.

Ngư dân Khánh Hòa cam kết không đánh bắt thủy sản bất hợp pháp

Khánh Hòa hiện có hơn 1.200 tàu khai thác xa bờ, trong đó có khoảng 500 tàu khai thác cá ngừ đại dương; tổng sản lượng thủy sản khai thác các loại gần 10.000 tấn/năm. Không những thế, Khánh Hòa còn là nơi tập trung khá nhiều DN tham gia xuất khẩu thủy sản (44 DN), trong đó có các DN xuất khẩu cá ngừ hàng đầu như: Cty TNHH Hải Vương, Hải Long, Thịnh Hưng, Hoàng Hải, Tín Thịnh, Đồ hộp Khánh Hòa...

Hiện nay các DN thủy sản ở Khánh Hòa không chỉ xuất khẩu sang thị trường EU, mà còn xuất sang Mỹ và các thị trường khác. Việc IUU (chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý), “giơ thẻ vàng” với Việt Nam ngày 23/10 là một bất lợi rất lớn cho DN xuất khẩu hải sản ở Khánh Hòa, vì sắp tới các lô hàng xuất vào EU sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt và sẽ lưu tại cảng châu Âu. Do đó, DN sẽ mất thời gian và phải trả chi phí lớn cho cơ quan EU kiểm lô hàng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, TGĐ Cty TNHH Tín Thịnh, KCN Suối Dầu (Cam Lâm, Khánh Hòa), một DN chuyên chế biến xuất khẩu thủy sản lo lắng không biết sắp tới các lô hàng đến cảng EU sẽ như thế nào vì lần đầu tiên bị thẻ vàng. Tuy nhiên kinh nghiệm từ Philippines, Thái Lan đã bị EU phạt “thẻ vàng” thì các lô hàng vào cảng sẽ kiểm tra 100% và chi phí mỗi container phải trả vài nghìn USD.

Bện cạnh đó, Hoa Kỳ cũng đã thông báo chính thức sẽ áp dụng IUU vào 1/1/2018. Như vậy việc chúng ta bị EU phạt “thẻ vàng” dẫn đến Hoa Kỳ sắp tới cũng kiểm tra nghiêm ngặt hơn là một thách thức rất lớn cho DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng.

Vì vậy để chống việc ngư dân đánh bắt hải sản bất hợp pháp, ông Tùng đề xuất ngành thủy sản cần tuyên truyền mạnh cho ngư dân biết được hệ lụy của việc đánh bắt bất hợp pháp, đồng thời yêu cầu họ phải khai báo đầy đủ nhật ký đánh bắt, có số liệu chính xác và trang bị thiết bị giám sát cho tàu thuyền.

Một số DN chế biến hải sản xuất khẩu cho rằng, để đáp ứng các yêu cầu của IUU cần có sự tham gia của ngư dân và giải pháp hiệu quả nhất là DN sẽ chỉ thu mua nguyên liệu hợp pháp, có truy xuất với giá cao hơn.

Ngư dân chỉ đánh bắt trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam, không được đánh bắt sang các nước khác mà không được phép của nước sở tại. Mỗi chuyến biển ngư dân phải ghi chép nhật ký cẩn thận đầy đủ số lượng, tên sản phẩm và tọa độ đánh bắt, sau đó thuyền trưởng ký vào và cung cấp cho quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản, khi kết thúc chuyến biển… Nếu ngư dân không tuân thủ nghiêm ngặt của IUU thì sau này có thể chúng ta bị “thẻ đỏ”, sản phẩm đánh bắt sẽ không thể xuất khẩu được. Khi đó vừa thiệt hại cho ngư dân và DN.

Trước những lo lắng trên, ông Lữ Thanh Phong, Phó phòng Quản lý khai thác phát triển nguồn lợi (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cho biết, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân và đã yêu cầu họ thực hiện ký cam kết không đánh bắt hải sản bất hợp pháp. “Cho đến nay toàn bộ chủ tàu ở Khánh Hòa đánh bắt xa bờ đã ký cam kết không đánh bắt hải sản bất hợp pháp”, ông Phong nói.

Về lâu dài, theo ông Phong, để truy nguồn gốc đánh bắt thủy sản, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục vận động ngư dân tham gia theo chuỗi sản xuất từ khai thác, chế biến đến tiêu thụ để nâng cao chất lượng thủy sản. Hiện nay tỉnh đã thực hiện thành công 2 mô hình chuỗi liên kết khai thác, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đi vào hoạt động, bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Ngư dân Trần Ngọc Đông, 47 tuổi, ở phường Xương Huân, TP Nha Trang, chủ 9 con tàu đánh bắt xa bờ cho biết, việc EU phạt “thẻ vàng” hải sản đánh bắt Việt Nam ông đã nắm được thông tin. Để góp sức, hiện các tàu cá của gia đình ông đã ký cam kết với cơ quan chức năng không đánh bắt hải sản bất hợp pháp và tuân thủ việc ghi chép nhật ký đánh bắt cẩn thận.

KIM SƠ
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo