Nước đã đến chân, ngành mía đường bắt đầu 'nếm vị đắng' của ATIGA
Qua nắm bắt sơ bộ từ các doanh nghiệp mía đường trực thuộc Hiệp hội, niên vụ đường hiện tại chưa nhà máy đường nào bán nổi 1 tấn đường dù đã hạ giá xuống 12.000 đồng/kg...
Chỉ còn 2 tháng nữa là Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, theo đó thuế suất mặt hàng đường vào Việt Nam sẽ về mức 5%. Nhưng ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước đã bị "đóng băng" việc bán hàng bởi các hộ tiêu thụ đường lớn như NM bánh kẹo, bia, nước giải khát... đều “án binh” chờ đợi mốc 1/1/2018.
Sức ép từ đối thủ láng giềng
Có thể nói ngành đường hiện đang đối mặt với những khó khăn chồng chất. Bởi thời điểm ATIGA có hiệu lực lại đúng giai đoạn đáy giá đường theo chu kỳ kinh tế thị trường. Hiện giá đường giao dịch trên thị trường quốc tế dao động dưới 400 USD/tấn, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
|
Ngành mía đường Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn từ ATIGA |
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cả nước hiện có 41 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn mía/ngày, sản lượng trên 1 triệu tấn đường/năm. Tuy nhiên, trong số 41 nhà máy, có tới 22 nhà máy chỉ có công suất dưới 3.000 tấn, những nhà máy lạc hậu, cũ kỹ này thực sự là nỗi lo với ngành đường trong nước khi mở cửa hội nhập.
Hiện nay, trong khu vực ASEAN có 3 nước sản xuất đường lớn là Thái Lan, Philippines và Việt Nam, trong đó Thái Lan là nước có sản lượng đường lớn nhất khối, đồng thời đứng thứ 2 thế giới với 11 triệu tấn đường/năm.
Ngành mía đường Thái Lan lớn mạnh như ngày hôm nay do thời gian dài được Nhà vua, Chính phủ nước này có các chính sách hỗ trợ, bảo hộ mạnh mẽ song song với ngành lúa gạo. Ngành mía đường Thái Lan thực sự đã vươn lên trở thành thế lực lớn trên trường quốc tế, chỉ sau Braxin. Trong tương lai, Thái Lan có khả năng SX tới 15 triệu tấn đường/năm, tức là bằng lượng đường của cả khối ASEAN.
Đối với Philippines, nhờ phía Mỹ ký hiệp định cam kết mỗi năm nhập khẩu cho Philippines 200.000 tấn đường theo giá Mỹ nên nước này cũng không gặp áp lực quá lớn khi ATIGA có hiệu lực. Mà áp lực lớn nhất hiện nay chủ yếu dồn lên ngành mía đường nhỏ bé, lạc hậu của Việt Nam. Đối thủ gây áp lực không ai khác chính là cường quốc mía đường đứng thứ 2 thế giới, Thái Lan.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA cho biết, theo số liệu thống kê, hiện mỗi năm lượng đường nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam qua khu vực biên giới Tây Nam lên tới 400.000 - 500.000 tấn, chiếm gần 1 nửa sản lượng đường sản xuất trong nước. Có thời điểm đường Thái Lan làm chủ thị trường, chỉ sau khi bán hết đường nhập lậu, đường của các NM sản xuất trong nước mới có cửa tiêu thụ.
Do đó, nếu thời gian tới thuế nhập khẩu đường vào Việt Nam chỉ còn 5% và hạn ngạch bị gỡ bỏ, chắc chắn nhiều nhà máy đường trong nước sẽ phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh với giá thành của đường Thái Lan. Đó là chưa nói lượng đường Braxin sau khi qua cửa Thái Lan, tiếp tục vào Việt Nam.
Kịch bản nào cho ngành mía đường sau ATIGA?
Trước thời khắc mang tính sống còn của ngành mía đường Việt Nam, ngày 25/8/2017, VSSA đã có công văn số 75/TTr-HHMĐ gửi khẩn cấp Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị lộ trình thực hiện cam kết ATIGA theo hướng kéo dài thuế quan và hạn ngạch đến năm 2022 để ngành mía đường trong nước có thêm thời gian tái cơ cấu, cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành.
Ngay sau đó, ngày 6/10/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt lại ý kiến Thủ tướng yêu cầu các Bộ Công Thương, Tài chính, NN-PTNT và các địa phương liên quan xem xét, giải quyết và báo cáo Chính phủ trước ngày 30/10/2017. Hiện đề xuất của VSSA đang chờ ý kiến các Bộ, ngành. Trong khi 3- 4 NM đường ở phía Nam đã bắt đầu chạy máy ép mía.
Theo Chủ tịch VSSA Phạm Quốc Doanh, phải thừa nhận một thực tế là trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp mía đường trong nước chưa thực sự nỗ lực và quyết liệt hết sức, đến thời điểm này khi nước ướt chân rồi mới cảm nhận rõ tác động của ATIGA tới sản xuất đường trong nước. Đặc biệt việc tái cơ cấu ngành đường các NM làm chậm. Khâu đa dạng hóa các sản phẩm sau đường mới chỉ Đường Quảng Ngãi, Thành Thành Công làm được.
Tuy nhiên, cũng phải nói là do nguyên nhân khách quan, ngành đường mới cổ phần hóa chưa được bao lâu, toàn bộ máy móc, trang thiết bị vẫn từ thời cũ để lại, lại trải qua khoảng 5 năm gần đây bị quăng quật bởi đường ngoại, bởi các cây trồng khác cạnh tranh dữ dội với cây mía, nay mới bắt đầu khôi phục lại được sản lượng, quy mô thì gặp ngay thách thức quá lớn với ATIGA.
Cũng theo ông Doanh, qua nắm bắt sơ bộ từ các doanh nghiệp mía đường trực thuộc Hiệp hội, niên vụ đường hiện tại chưa nhà máy đường nào bán nổi 1 tấn đường dù đã hạ giá xuống 12.000 đồng/kg do các đối tác đều đang chờ đợi mốc ngày 1/1/2018 để được mua đường nhập khẩu giá rẻ hơn. Chính vì vậy, tồn kho đường trong quý 4/2017 được dự báo sẽ cao nhất từ trước đến nay.
Vậy, câu chuyện đặt ra ở đây là kịch bản nào cho ngành mía đường Việt Nam khi ATIGA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Theo ông Phạm Quốc Doanh, có 2 kịch bản chính sẽ xảy ra.
|
Nông dân thu hoạch mía |
Thứ nhất, nếu áp dụng ngay chính sách thuế và hạn ngạch theo lộ trình, các nhà máy đường buộc phải hạ giá mua mía nguyên liệu của nông dân để giảm giá thành, ít nhất là bằng với giá thành đường của Thái Lan mới có thể cạnh tranh (hiện gia mía các nhà máy đường thu mua của nông dân dao động từ 800.000 - 1 triệu đồng/tấn).
Khi đó, bà con nông dân trồng mía tại một số nơi có thể chuyển sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, bởi hiện nay ngày công lao động chặt mía rất cao, có thời điểm lên tới 400.000 đồng/ngày công lao động. Khi đó, người dân rất có thể bỏ mía, NM đường không có mía ép, đường ngoại tràn vào. Và chắc chắn, đoạn cuối của kịch bản này là ngành mía đường sẽ phá sản. Đây là điều Nhà nước, người trồng mía và các doanh nghiệp mía đường đều không mong muốn.
Kịch bản thứ hai, có thể các nhà máy sẽ chuyển từ mua mía của nông dân sang nhập đường thô về để tinh luyện. Kịch bản này cũng không ai chờ đợi bởi hiện nay có tới 33 vạn hộ nông dân, 1,5 triệu lao động và 35 vạn công nhân đang lao động, sản xuất trong ngành mía đường.
Đặc biệt, 22 nhà máy có công suất dưới 3.000 tấn nguy cơ đóng cửa rất cao, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, việc làm của hàng chục triệu lao động, công nhân, ước tổng thiệt hại lên tới 10.000 tỷ đồng. Và kết cục của kịch bản này sẽ là tiêu tan cả ngành mía đường, vốn được Chính phủ bỏ ra không ít công sức, tiền bạc đầu tư, mà khởi đầu từ chương trình 1 triệu tấn đường cách đây 20 năm.
Sau khi đưa ra Ban chấp hành VSSA thảo luận, lấy ý kiến, ông Phạm Quốc Doanh cho biết, Hiệp hội thống nhất kiến nghị Chính phủ một số giải pháp sau nhằm tạo điều kiện cho ngành mía đường có đủ thời gian tái cơ cấu sản xuất.
Theo đó, kiến nghị Chính phủ giãn lộ trình hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường trong ASEAN đến năm 2022, nếu sớm hơn là 2020. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu hạn ngạch thuế quan có thể tăng lên 10% thay vì 5% như hiện nay. Bên cạnh đó, thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch từ 80 - 85% có thể điều chỉnh giảm xuống 40% với đường thô và 45% với đường trắng nhằm hài hòa lợi ích của đối tượng tiêu thụ đường.
Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án, thành lập Quỹ phát triển mía đường. Đề nghị Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện đồng phát nối lưới điện của các nhà máy đường bằng với biểu giá chi phí tránh được của nhà máy điện sinh khối. Đề nghị Bộ NN-PTNT có chính sách hỗ trợ cải tiến khâu sản xuất giống mía cho ngành mía đường.
|