Nhiều giải pháp xử lý, cấp, thoát nước nuôi tôm thẻ chân trắng
14:45 - 03/11/2017
Sự phát triển nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập, vì vậy việc đề xuất các giải pháp cấp, thoát nước cho nuôi tôm thẻ chân trắng khu vực ven biển là rất cần thiết.

Vừa qua, tại Hà Tĩnh, Viện Nước - tưới tiêu và môi trường, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cùng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh tổ chức hội thảo “Giải pháp cấp, thoát và xử lý nước cho nuôi tôm thẻ chân trắng vùng ven biển Bắc Trung Bộ”. (ảnh)

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Trần Đình Hòa, PGĐ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khẳng định: “Bắc Trung Bộ là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ biển dài, các cồn cát rộng lớn nên rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản vùng triều và trên cát. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, nhiều phương thức và đối tượng nuôi được áp dụng vào nuôi trồng cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó có nuôi tôm thẻ chân trắng với các hình thức nuôi bán thâm canh, nuôi thâm canh trong ao đất lót bạt, ao vỗ bờ xi măng, ao lót bạt trên cát… Tuy nhiên, sự phát triển nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập, vì vậy việc đề xuất các giải pháp cấp, thoát nước cho nuôi tôm thẻ chân trắng khu vực ven biển là rất cần thiết”.

Hội thảo đã tập trung nghiên cứu các giải pháp cho khu nuôi tôm vùng triều và khu nuôi trên cát. Hợp tác xã nuôi trồng và chế biến thủy sản Xuân Thành (Hà Tĩnh) được lựa chọn xây dựng mô hình thử nghiệm. Nhóm tác giả đã áp dụng thử nghiệm mô hình 3 ao gồm: Ao lắng bùn, ao xử lý 1 có kết hợp trồng rong và ao xử lý 2 có kết hợp trồng rong biển và nuôi vẹm xanh. Kết quả cho thấy, nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn QCVN 02-19:2014/BNNPTNT khi xả ra môi trường.

Từ việc thí nghiệm thành công, nhóm tác giả đưa ra kiến nghị áp dụng công nghệ xử lý nước thải này cho các khu nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và siêu thâm canh trên cát tại các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giám định bệnh, nâng cao hiệu quả nuôi và phát triển bền vững ngành nuôi tôm trên cát.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều câu hỏi đóng góp cho sự hoàn thiện các giải pháp, công nghệ xử lý và cấp thoát nước chủ động cho các khu nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung vùng ven biển Bắc Trung Bộ, góp phần đưa đề tài ứng dụng vào thực tiễn tại các mô hình đạt hiệu quả tốt hơn.

TÂM ĐAN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo