Bị cảnh báo thẻ vàng IUU, lo ngại xuất khẩu cá ngừ suy giảm
15:02 - 03/11/2017
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu (XK) cá ngừ đạt 429,7 triệu USD, tăng 21,2%. Hiện nay, hầu hết những thị trường XK lớn nhất của ta vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng XK nhưng việc hải sản của ta bị Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo thẻ vàng với lý do vi phạm các nguyên tắc chống khai thác bất hợp pháp (IUU) vào cuối tháng 10 vừa qua khiến kim ngạch XK mặt hàng này có khả năng bị ảnh hưởng thời gian tới.
XK cá ngừ bị lo ngại sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới


9 tháng đầu năm 2017, EU vẫn là thị trường lớn thứ hai của cá ngừ Việt Nam. Sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh tiếp tục là sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam XK sang thị trường EU, chiếm hơn 40% tổng giá trị XK sang thị trường này. Tiếp đến là cá ngừ đóng hộp chiếm 32%. 

Hiện thị trường EU đang chiếm khoảng 17% trong tổng giá trị XK mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Trong đó, các mặt hàng hải sản khai thác biển như cá ngừ, mực, bạch tuộc, cá thu, cua ghẹ... luôn chiếm vị trí quan trọng trong với kim ngạch khoảng 350 - 400 triệu USD/năm, tương đương 30% tổng giá trị XK thủy - hải sản của Việt Nam sang EU. Cá ngừ là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong nhóm hải sản. Ngày 23/10/2017, Liên minh châu Âu (EU) đã giơ thẻ vàng cảnh báo đối với hải sản Việt Nam với lý do vi phạm các nguyên tắc IUU. Cảnh báo này có thể khiến giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới tăng trưởng chậm lại. Đồng thời, không loại trừ khả năng ảnh hưởng đến một số thị trường khác như Mỹ vì nước này đang chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhập khẩu nhằm chống lại nạn khai thác IUU từ 1/1/2018.

Sau 9 tháng, Mỹ giữ vững vị trí là thị trường lớn nhất của cá ngừ với giá trị XK đạt 168,7 triệu USD, chiếm 39,3%, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh XK cá ngừ sang một số thị trường trọng điểm gặp khó khăn, Trung Đông đang là sự lựa chọn thay thế. Trong 9 tháng đầu năm nay, XK cá ngừ sang khu vực này tiếp tục tăng trưởng tích cực. Tính riêng thị trường Israel, XK cá ngừ đạt gần 35 triệu USD, tăng 138,2% so với cùng kỳ năm trước. Israel cũng thay thế ASEAN để trở thành thị trường XK cá ngừ lớn thứ 3 của Việt Nam. Đây là thị trường tiềm năng nhất trong khối thị trường Trung Đông tại thời điểm này.

Ngoài các thị trường truyền thống này, XK cá ngừ sang một số thị trường khác như Nhật Bản, Mexico và Canada tiếp tục tăng trưởng khả quan. Giá trị XK sang 3 thị trường này tăng lần lượt 23%; 69,6% và 32% so với cùng kỳ năm trước.

Các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm gỡ khó cho hải sản Việt Nam khi bị cảnh báo IUU như nhanh chóng thảo luận, hoàn thiện và công bố dự thảo Luật Thủy sản; kêu gọi các DN cùng ký kết cam kết chống IUU… Việt Nam có 6 tháng (23/10/2017-23/4/2018) để EU xem xét khả năng đáp ứng các yêu cầu, đồng thời gỡ cảnh báo thẻ vàng này.

Nguồn: Báo Công thương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo