Cuối 10/2017, Đảng bộ và nhân dân xã Gia Tân, huyện Gia Lộc (Hải Dương) đón nhận Quyết định của UBND tỉnh công nhận Gia Tân đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2016 và Trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ I.
|
Lễ đón nhận Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận Gia Tân đạt chuẩn nông thôn mới |
Qua 6 năm, tổng nguồn vốn xây dựng NTM của xã đạt trên 38 tỷ đồng, trong đó, ngân sách cấp trên hỗ trợ 12,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 5 tỷ 668 triệu đồng chiếm 14,8%. Năm 2010, xã mới đạt 7 tiêu chí là những tiêu chí mềm cần đầu tư ít kinh phí thì đến năm 2016 xã đã hoàn thành 19 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí cần mức đầu tư vốn cao và khó thực hiện như hệ thống giao thông, trường học và thu nhập đầu người.
Đến nay, hạ tầng cơ sở của xã khang trang, hiện đại và đẹp đẽ. Đảng bộ và chính quyền xã luôn quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xây dựng NTM.
Về sản xuất nông nghiệp, thủy sản, xã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung như: vùng nuôi trồng thủy sản với quy mô gần 30ha gắn nuôi trồng thủy sản với phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Quy hoạch vùng trồng đào 29ha ven QL37, QL38B, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng chuyên canh rau màu ở thôn Phúc Tân, quy mô trên 35ha với công thức luân canh 4 vụ/năm.
Để giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, trên địa bàn xã có 10 doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho gần 300 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/tháng. Xã có hàng trăm lao động đi làm việc ở các nước. Năm 2017, dự kiến thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 42 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 1,91%.
Xã quyết tâm giữ vững và phát huy danh hiệu xã NTM, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng sống của người dân trong những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Thơ, thôn Phúc Tân nhận xét: “Mấy năm qua, nhờ chương trình xây dựng NTM, tôi thấy làng quê đổi thay nhanh chóng, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, đồng ruộng được dồn ô, đổi thửa, chỉnh trang lại, giao thông từ trong làng ra đến ngoài đồng được bê tông hóa, nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, trường học từ mầm non đến cấp 2 khang trang, đẹp đẽ. Môi trường làng quê được vệ sinh sạch sẽ”.