Đây là một trong 2 mục tiêu mà Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi hướng đến, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
|
Hội thảo “Nâng cao năng lực ngành thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng phó thiên tai”. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ngày 18/12, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực ngành thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng phó thiên tai”.
Nội dung chính được các đại biểu chia sẻ, thảo luận là tổ chức quản lý tài nguyên nước; thực trạng xói lở bờ biển và đề ra những giải pháp đối phó và khắc phục tình trạng này. Đây là một trong 2 mục tiêu mà Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi hướng đến vừa phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo các đại biểu, ở nhiều địa phương hiện nay, tình trạng xâm thực, xói lở khiến biển lấn sâu vào đất liền từ vài chục đến cả trăm mét mỗi năm. Trước sự tàn phá của sóng biển, hàng loạt nhà cửa, đất đai sản xuất, rừng phòng hộ và thậm chí một số công trình đê kè cũng bị sóng biển cuốn trôi… Chỉ tính riêng trong 10 năm qua, tình hình sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gia tăng cả về quy mô và phạm vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, các công trình hạ tầng kỹ thuật và khu du lịch.
PGS. Nguyễn Trung Việt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kinh tế Thủy lợi miền Trung cho biết, nguyên nhân chính là do việc suy giảm bùn cát phía thượng lưu do xây dựng hồ thủy điện và tình trạng khai thác cát ồ ạt. Ngoài ra, việc thay đổi dòng chảy, lưu lượng nước ở lưu vực sông cũng như tác động của biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng tình trạng này. Kết quả phân tích ảnh vệ tinh cho thấy, từ năm 2004 đến nay đã có 160 mét bờ biển ở Quảng Nam bị xói lở, nhất là tại vùng biển Cửa Đại, TP. Hội An. Đặc biệt là năm 2014 trong điều kiện không có bão, lũ nhưng sóng biển vẫn xâm thực vào đất liền sâu đến 30 mét.
PGS. Nguyễn Trung Việt nhấn mạnh: “Đối với bờ biển Cửa Đại tình trạng xói lở rất nghiêm trọng, tuy nhiên do thiếu số liệu đo đạc nên việc tìm ra nguyên nhân gặp nhiều khó khăn nên cần phải có giải pháp tổng thể lâu dài để đánh giá bài bản và có giải pháp đúng. Tuy nhiên, trước tình trạng hiện nay, cũng cần phải có giải pháp trước mắt để khắc phục. Vấn đề xói lở bờ biển ở Cửa Đại là mất bùn cát, vì vậy phải bổ sung lại bùn cát”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nêu rõ, Việt Nam là nước nông nghiệp, vì vậy thủy lợi có vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế và sản xuất của người dân. Tuy nhiên, việc quản lý thủy lợi và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay còn nhiều hạn chế. Thực hiện tái cơ cấu ngành thủy lợi đến nay thay vì sử dụng các “giải pháp công trình” như xây dựng hồ, đập, đê sông, đê biển… ngành NN&PTNT đã chuyển mạnh sang áp dụng các “giải pháp phi công trình” nâng cao năng lực thông qua xây dựng các phần mềm quản lý thiên tai trong dự báo, cảnh báo sớm, tổ chức quản lý lũ, phát triển rừng, xây dựng bản đồ ngập lụt… Vấn đề là cần xác định cụ thể nguyên nhân gây xói lở bờ biển để có giải pháp xử lý trước mắt và căn cơ lâu dài trên cơ sở giữ và phục hồi những vùng bờ biển đang bị xâm thực.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: “Bộ sẽ phối hợp với các địa phương và các cơ quan nghiên cứu tiến hành đo đạc và lấy thông tin ở những vùng đang xảy ra xói lở bờ biển nghiêm trọng, trong đó có bờ biển Cửa Đại (tỉnh Quảng Nam) để khẩn trương triển khai ứng phó trước mắt với tình trạng này. Trên cơ sở đó tiếp tục có giải pháp căn cơ cho các năm tiếp theo”.